TT- – TTCT - “Chị muốn xem ảo thuật chứ?”. Thoạt nghe lời đề nghị của nhóm thanh niên lạ, người viết không khỏi nghi ngờ, lo sợ “đối tượng” trước mặt có động cơ lừa đảo..
Phải đến khi chiêm ngưỡng quân bài dàn đều trên không trung, quả bóng màu đỏ bắt mắt lúc ẩn lúc hiện, mối nghi ngờ mới được xóa tan... Mới biết những gì nhóm bạn trẻ vừa thể hiện được gọi là ảo thuật đường phố. Còn các “ảo thuật gia” đến từ SOS (Society of Secret - CLB Những điều bí mật), một nhóm chơi ảo thuật đang dần quen mặt hơn với giới trẻ Hà thành.
Khác đánh bài hay ăn cắp Không đầy 10 người, SOS phân công nhiệm vụ cụ thể: trưởng nhóm, những người đi diễn thường xuyên, thành viên. Một “sơ đồ tổ chức” cùng các “quy định hoạt động” nghiêm ngặt được trình bày cẩn thận trong cuốn tài liệu “Keepers of secret” (những người giữ bí mật) của nhóm. Tác giả của tập tài liệu “kỳ bí” này là Lê Việt Anh Adrian (nghệ danh: AD), sinh viên Trường ĐH Hà Nội.
Mang hai dòng máu Việt Nam - Romania, AD (trang web facebook.com/le.v.adrian) đã có bảy năm chơi ảo thuật tại Romania. Theo gia đình về Hà Nội vào năm 2006, anh bắt đầu tìm kiếm những nhà ảo thuật trẻ cùng đam mê. AD tâm sự: “Giống phản ứng của chị khi mới gặp chúng tôi, người VN không hào hứng lắm với ảo thuật đường phố. Khi một ảo thuật gia tiếp cận, họ thường tỏ ra đề phòng hoặc né tránh”.
Thực hiện tiết mục di chuyển đồng xu giữa hai ngón tay để kiểm tra phản ứng của người viết, AD trầm ngâm: “Khán giả nghi ngờ cũng đúng. Ảo thuật học sai sẽ rất nguy hiểm. Nhờ ảo thuật bạn biết giấu đồ, làm những điều người khác không thể lý giải. Nếu tập sai sẽ không khác gì một kẻ ăn cắp hay đánh bài gian lận. Ảo thuật đường phố đem lại niềm vui chứ không phải để lừa lọc người khác”.
Lại nhớ đến những dòng chữ một thành viên hé lộ trong tập tài liệu, có viết: “Ảo thuật không bắt đầu từ mưu mẹo và dối trá, nó được tìm thấy trong sự cân bằng giữa trắng và đen”. Với “chính sách hoạt động” này, đến năm 2009 AD và bạn đồng hành Huy Tú quyết tâm thành lập SOS.
Huy Tú (trang web facebook.com/bathazer) trầm lặng hơn AD, rất gần biệt danh anh tự chọn - Bathazer (một nhân vật quỷ nổi tiếng trong phim Hollywood). Chú ý đến đối tượng khán giả, khi “đi phố”, Bathazer không vội vàng tiếp cận ai đó để biểu diễn bừa bãi. “Việc khán giả nghi ngờ cũng một phần do các bạn ảo thuật gia.
Phải xác định đâu là đối tượng khán giả của mình, thể hiện được đúng và đủ tầm của ảo thuật”. Không chỉ cần các kỹ thuật (tricks), ảo thuật đường phố còn chú trọng đến trang phục, phong cách diễn, cách đối thoại, tạo niềm tin cho khán giả trước khi họ hào hứng thưởng thức và ủng hộ.
Theo AD và Bathazer “cận cảnh” một buổi “đi phố” của nhóm để thấy phần nào những điều các bạn chia sẻ. Trời nóng đổ lửa, gọn mình trong bộ comlê chỉnh tề, AD tiến về phía nhóm học sinh đang chơi đùa trước vườn hoa Lý Thái Tổ, bàn tay thoăn thoắt biến hóa những quân bài.
Quan sát AD, Bathazer giải thích thêm riêng với bộ bài có thể áp dụng ba kỹ thuật làm ảo thuật: card tricks, flourish và XCM (xtreme card manipulation). Nếu card tricks được coi là kỹ thuật truyền thống tạo bất ngờ, được sử dụng với ảo thuật sân khấu và đường phố thì flourish tập trung xây dựng sự đẹp mắt khi đôi tay uyển chuyển như múa, biến hóa bộ bài thành những hình thù đa dạng.
Những kỹ thuật kéo dài bộ bài thành hình lò xo, dòng thác, xòe bài nâng cao, bắn bài lên không trung của flourish đều được sử dụng nhiều khi “đi phố”. Còn khi áp dụng kỹ thuật XCM, đòi hỏi ảo thuật gia vừa diễn đẹp mắt vừa tạo độ khó, thậm chí độ nguy hiểm (khi kết hợp với nước, lửa...). XCM cũng được áp dụng với đồng xu, xúc xắc, dây, khăn...
Đúng tính chất “đường phố”, đồ nghề ảo thuật SOS cần phải là những vật dụng bình thường, gọn nhẹ: đồng xu, quân bài, bật lửa, bao diêm... “Dùng bất cứ những thứ thông dụng nhất là khái niệm cơ bản về ảo thuật đường phố. Nếu người đi đường đưa cho ảo thuật gia một chai nước đang uống dở, chúng tôi cũng phải biết biến nó thành đồ ảo thuật” - AD nói.
Huy Tú giữa trưa nắng “đi phố” trước vườn hoa Lý Thái Tổ, biểu diễn với quân bài theo kỹ thuật flourish - Ảnh: Nga Linh
Những bí mật không thể chia sẻ
Người phản đối gay gắt nhất việc AD theo đuổi nghề chính là cha cậu. Để thuyết phục ông, trong một cuộc hội thảo về công nghệ thông tin do công ty cha chủ trì, AD đã “cướp sân khấu”, sử dụng một vài động tác ảo thuật cho bài trình bày, tạo không khí sôi nổi hơn cho hội thảo. Ngay khi thành lập SOS, cậu cũng quyết tâm để các thành viên phải biết “sử dụng ảo thuật để làm gì”.
Những buổi mới vào nghề AD chỉ diễn miễn phí trên vỉa hè, trong các quán cà phê... Kinh nghiệm bảy năm ở xứ người dạy AD rằng một ảo thuật gia trẻ phải tìm được chỗ biểu diễn phù hợp. “Các master - những bậc thầy ảo thuật - đều chơi ảo thuật đường phố trước khi bước lên sân khấu”, nên ảo thuật đường phố rất giống một bước đệm trước khi tiến tới những sân khấu chuyên nghiệp.
Điều hành SOS, AD cùng Bathazer tự liên kết với các công ty tổ chức sự kiện, tự tiếp thị mình. Các tiết mục ảo thuật ngắn của hai bạn xuất hiện ở các hội nghị diễn ra tại Trung tâm hội nghị quốc gia, khách sạn Sofitel, Metropole, Inter Continental... Dần dần những cái tên khác trong nhóm như Kaka Thông, Tuấn Anh, Dư... cũng được nhắc đến với vai trò master.
Đi diễn cũng giúp tăng tính cạnh tranh và cọ xát. Trong ảo thuật, người ta chỉ có thể chia sẻ với nhau kinh nghiệm diễn chứ không thể dạy nhau bí mật về nghề. AD có thể truyền lại cho các thành viên cách giữ tay không run trên sân khấu, khống chế tình huống (làm gì nếu quân bài trượt xuống không chủ đích). Còn mỗi thành viên trong cộng đồng ảo thuật mang một sở trường, bí mật riêng không thể chia sẻ.
Đi diễn còn vì một nhu cầu... rất thực tế, sắm cho mình đồ nghề biểu diễn, một khía cạnh khiến ai trót “nghiện” ảo thuật sẽ phải điên đầu. Một bộ bài có thể lên tới 200.000 đồng, chưa kể lại chia làm nhiều loại: bicycle rider back - bộ bài thông dụng nhất, bicycle limited edition deck - sản xuất với số lượng hạn chế, trơn và cứng cáp hay mini deck - kích thước nhỏ, phù hợp với ảo thuật thu nhỏ quân bài. Được coi là có cátsê ban đầu ổn định (mức 3,5 triệu đồng/tiết mục 5-10 phút), AD nói nếu một buổi biểu diễn bị lỗ là rất nguy hiểm, người diễn sẽ lỗ cả về thời gian, chi phí mua đồ ảo thuật...
Không rầm rộ như nhiều hoạt động có sức lôi cuốn giới trẻ: trượt patin, nhảy hip hop, múa bụng, nhảy salsa..., ảo thuật đường phố xuất hiện và lan tỏa âm ỉ, cho giới trẻ thêm một lựa chọn. SOS cũng không phải là nhóm bạn duy nhất đam mê bộ môn này. Có thể bắt gặp những bạn trẻ từ bỏ hàng giờ bên game online, truyện tranh, sử dụng thời gian của mình trong mùa nghỉ hè để tập dượt, bàn luận về ảo thuật nói chung và ảo thuật đường phố trên http://vietmagician.com; http://aothuatvn.com/web... hay những tụ điểm công cộng ở Hà Nội.
Ảo thuật đường phố quen thuộc trên thế giới với hình ảnh ảo thuật gia cầm bộ bài, đồng xu, tiền lại gần người đi đường và hỏi: Này, bạn có muốn xem một thứ đặc biệt không? Ảo thuật gia người Mỹ David Blaine là cha đẻ của ảo thuật đường phố. Năm 1997, trên Đài ABC, David Blaine đã tuyên bố: “Tôi muốn mang ảo thuật trở về đúng nơi của nó cách đây 100 năm”. Quan niệm thay đổi ảo thuật, từ sân khấu chuyển sang khán giả, David đã cho thế giới thấy ảo thuật không chỉ xuất hiện trên tivi. Ông đưa tất cả các kỹ năng ảo thuật sân khấu, ảo thuật bàn... xuống phố và thu hút đông đảo khách đi bộ ghé xem. Gần nhất, tháng 1-2010, David có buổi biểu diễn đường phố kéo dài ba ngày trên quảng trường Thời Đại, kêu gọi từ thiện cho nạn nhân sau động đất ở Haiti.
* Viết tiếng Việt có dấu, là tôn trọng người đọc. * Chia sẻ bài sưu tầm có ghi rõ nguồn, là tôn trọng người viết. * Thực hiện những điều trên, là tôn trọng chính mình.
-Nếu chèn smilies có vấn đề thì bấm A/a trên phải khung viết bài
NARUTOFC.COM NVFC Official Vietnam Fan Site. Powered by phpBB® Version 2.0.0 Licensed Xem tốt nhất ở độ phần giải lớn hơn 1024x768 và trình duyệt Firefox BQT không chịu bất cứ trách nhiệm nào từ nội dung bài viết của thành viên. Hiện tại có tất cả :lượt truy cập [Từ 21/05/11]