Ở những người thường xuyên chơi game bạo lực, phần não phụ trách cảm xúc sẽ bị kích động mạnh trong khi khu vực kiểm soát hành vi cá nhân lại tỏ ra lờ đờ, chậm chạp, nghiên cứu mới nhất cho biết.
|
Người chơi cầm súng điện tử trong một trò "sát phạt" ở trung tâm game. Nguồn: Reuters |
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành chụp từ trường não bộ của 44 tình nguyện viên, nhằm theo dõi những thay đổi nhỏ nhất trong hệ thần kinh của họ khi chơi game bạo lực và phi bạo lực. Thời gian cho mỗi lần chơi kéo dài 30 phút. 44 tình nguyện viên này đều nằm trong độ tuổi từ 13 -17, chưa từng có tiền sử về phạm pháp hay vấn đề gì về tâm lý. Một nửa số em được yêu cầu chơi một game bắn súng cấp độ nặng là "Medal of Honor: Frontline", trong khi nhóm còn lại chơi "Need for Speed: Underrground", một game không có yếu tố bạo lực. Kết quả cho thấy: Vùng hạch thần kinh của nhóm trẻ chơi game bạo lực bị kích động mạnh, phản ứng liên tục, căng thẳng trong một thời gian tương đối dài. Trong khi ấy, phần não bộ gắn liền với sự tập trung, kiểm soát hoạt động bản thân lại tỏ ra trì trệ, phản ứng chậm trước các kích thích tố bên ngoài. Tình trạng này hoàn toàn trái ngược với nhóm trẻ em chơi game phi bạo lực.
|
Nguồn: BBC |
"Chúng tôi cho rằng chơi game bạo lực sẽ gây ảnh hướng tức thời tới chức năng của não bộ, nhưng tất nhiên, vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu khác để có thể hiểu cặn kẽ hơn về kết luận này", giáo sư Vincent Mathews của trường Đại học Y Indiana, tác giả công trình nghiên cứu, cho biết. Ngành công nghiệp video game ở Mỹ hiện đạt doanh thu tới 13 tỷ USD mỗi năm, ngang ngửa với doanh thu chiếu phim ngoài rạp của cả Hollywood. Tuy nhiên, đây cũng là chiến trường cho các nhà làm luật và hãng game đấu khẩu với nhau xung quanh tình trạng bạo lực leo thang của sản phẩm. Những game hạng T (Teen) dành cho trẻ từ 13 tuổi trở lên và chúng có thể chứa nhiều nội dung bạo lực, ngôn ngữ chợ búa cùng nhiều chủ đề mà theo giới làm luật, gây ảnh hưởng xấu đến người chơi. Trọng Cầm (Theo Reuters) |