Giải mã sức hấp dẫn của bom tấn truyền hình "Vượt Ngục"
14/6/2010, 10:17 pm
Hoàn Thành NV :
Ryo : 20636
Tổng số bài gửi : 1504
Ngày tham gia : 24/05/2009
Status : The Wanted World Theft - Tội phạm truy nã toàn thế giới
Được Cảm Ơn : 353
Tiêu đề: Giải mã sức hấp dẫn của bom tấn truyền hình "Vượt Ngục"
Bộ phim Vượt Ngục (Prison Break) đã tạo ra một cơn sốt cực "khủng" trong lòng khán giả khoảng thời gian vừa qua. Đi đến đâu cũng thấy người ta bàn về Vượt Ngục, về những tình tiết hay những diễn biến mới trong bộ phim, thậm chí có một vài người còn cho rằng Vượt Ngục chính là series phim truyền hình hay nhất mà họ đã từng xem. Vậy rốt cuộc, đâu là nguyên nhân tạo nên cơn bão Vượt Ngục? Tại sao nó lại hấp dẫn đến như vậy? Cùng chúng tớ chỉ ra một số điểm được coi là hay ho nhất của series phim truyền hình đang ăn khách tại Việt Nam này nhé.
Vượt Ngục là một trong những series được yêu thích nhất toàn cầu.
1. Kịch bản logic
Ấn tượng đầu tiên của khán giả đối với Vượt Ngục chính là kịch bản của phim được xây dựng quá tốt dù chỉ dựa trên một cốt truyện có nội dung khá đơn giản: cuộc giải cứu khỏi nhà tù liên bang của nhân vật Michael Scofield đối với người anh trai của mình - người đang phải đối mặt với án tử hình do bị nghi ngờ là thủ phạm của vụ ám sát anh trai bà phó tổng thống. Những tình tiết trong phim luôn tạo cảm giác bất ngờ và mới mẻ, rất thông minh, logic và cũng rất đời thường, khiến người xem không thể không cảm thấy phấn chấn. Cộng thêm vào đó là những lời thoại hấp dẫn, những câu đối đáp thông minh, đôi lúc pha lẫn chút hài hước của những nhân vật trong phim. Chính vì thế, Vượt Ngục đã trở thành một bộ phim gần như không có tình tiết thừa, không có lời thoại thừa, không có nhân vật thừa và một khi đã theo dõi, khó có ai có thể cưỡng lại được.
Khán giả luôn nín thở theo dõi theo diễn biến của phim.
2. Câu chuyện có nhiều nút thắt
Những kế hoạch tưởng chừng như rất hoàn hảo của Scofield trong phim đã suýt chút nữa bị thất bại bởi những yếu tố ngoại cảnh không thể ngờ đến, và đây cũng có thể coi là một trong những điểm hấp dẫn lôi cuốn khán giả của Vượt Ngục. Nhiều lần khán giả tưởng như kế hoạch đã thực hiện trót lọt thì bất ngờ vào phút cuối lại xảy ra những biến chuyển đầy thú vị, gây tò mò cho khán giả. Chính việc tạo nhiều nút thắt cho bộ phim, luôn tạm ngừng phim ở chính những nút thắt ấy, đã khiến cho người xem như bị hút hồn vào nó. Thật hiếm có bộ phim nào lại làm cho khán giả phải nín thở theo dõi theo từng bước chân của nhân vật, hồi hộp khi nhân vật gặp nguy hiểm, pha lẫn phấn khích khi anh ta lại tìm cách thoát hiểm vào phút chót và thực hiện kế hoạch một cách trót lọt.
Tình tiết trong phim luôn ẩn chứa những bất ngờ đầy thú vị.
3. Hình xăm trên người - Điểm ấn tượng nhất trong Vượt Ngục.
Xuyên suốt hai phần đầu tiên của series Vượt Ngục thì hình xăm trên người Michael chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất và cũng là hình ảnh xuất hiện nhiều nhất trên phim. Nó gần như là chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề và đồng thời cũng là một nhân tố khơi gợi trí tò mò cho khán giả, làm cho người xem luôn phải vắt óc suy nghĩ xem rốt cuộc những bí ẩn được vẽ trong hình xăm đó là gì, để rồi lại vỡ òa khi mà được giải mã những bí ẩn đó.
Hình xăm ẩn chứa kế hoạch vô cùng thông minh của Scofield.
Trong hai phần cuối phim, khi mà những hình xăm này không còn xuất hiện thì đó cũng là lúc bộ phim không được khán giả đánh giá cao nữa. Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự “mất điểm” trong hai phần sau của series Vượt Ngục so với những phần trước đó?
4. Cách xây dựng nhân vật rất đặc trưng
Cách xây dựng nhân vật trong phim rất đặc biệt với mỗi nhân vật đều là hiện thân cho một tầng lớp khác nhau trong xã hội. Có những người có địa vị rất cao, những nhân vật chóp bu trong giới chính trị với quyền lực gần như là tuyệt đối. Còn có những người chỉ là những con người bình thường, thậm chí là còn ở dưới đáy của xã hội, họ có thể là nạn nhân hay là đơn giản những người bất bình trước những tội ác mà một vài cá nhân hay tổ chức vì lợi ích của mình mà gây nên. Có thể nói, tất cả những nhân vật đó, dù mỗi người một hoàn cảnh, một tính cách riêng nhưng đó đều là những mảnh ghép hoàn hảo tạo nên một bức tranh chung, muôn màu muôn vẻ cho Vượt Ngục.
Một trong những yếu tố làm nên thành công của Vượt Ngục là khả năng khắc họa nhân vật.
5. Diễn xuất tốt
Với cách xây dựng nhân vật khá đa dạng và có chiều sâu như vậy, điều đòi hỏi đặt ra cho bộ phim chính là cần một dàn diễn viên có thể thể hiện tốt được những nhân vật như thế. Và quả thật, những diễn viên tham gia trong phim đã không phụ lại lòng mong đợi khi hoàn thành rất xuất sắc nhiệm vụ của mình. Có thể khẳng định rằng thành công của Vượt Ngục có một phần lớn chính là nhờ diễn xuất của dàn diễn viên này, mà trong đó đặc biệt đáng kể đến nhất là hai diễn viên Wentworth Miller và Robert Knepper. Nếu như diễn viên trẻ Wentworth Miller nổi như cồn sau vai diễn được coi là “để đời” Michael Scofield thì Robert Knepper cũng thể hiện vai trò diễn viên gạo cội của mình khi nhập vai xuất sắc tên tù biến thái T-Bag, đầy quái đản, bệnh hoạn nhưng lại cũng rất đáng thương. Hai diễn viên này đã thể hiện thành công được sự đối lập giữa hai nhân vật được coi là mâu thuẫn và cũng thông minh nhất phim này.
Wentworth Miller trong vai Michael Scofield.
Bên cạnh đó cũng không thể không nhắc đến những đóng góp không mệt mỏi của dàn những diễn viên phụ như Wade Williams trong vai tên cảnh sát Bellick đáng ghét, hay là Amaury Nolassco trong vai người bạn tù Sucre - một con người biết hết mình vì bạn bè và người mình yêu...
Dàn diễn viên tài năng đã đem lại cho khán giả những ấn tượng mạnh về phim.
6. Khung cảnh đẹp, âm nhạc tốt
Bạn không có cơ hội du lịch đến Châu Mỹ? Vậy thì bạn hoàn toàn có thể chiêm ngưỡng những điều đó qua Vượt Ngục. Từ những tòa nhà trọc chời, những khu phố sầm uất ở Bắc Mĩ cho đến những bãi biển xanh, những khu rừng sâu thăm thẳm ở Nam Mỹ, từ những khu biệt thự sang trọng cho đến những nhà tù bẩn thỉu,… tất cả đều được thể hiện qua lăng kính đa sắc màu trong Vượt Ngục. Bên cạnh đó, cách sử dụng nhạc nền hợp lý cũng tạo ra không khí cho cả phim.
Những cảnh quay đẹp long lanh từ Bắc Mỹ tới Panama.
7. Chuyện tình giữa Scofield và nữ bác sĩ Sarah
Điểm hút hồn các fan nữ nhất của Vượt Ngục chính là chuyện tình lãng mạn giữa Michael Scofield và cô bác sĩ Sarah Tancredi. Họ gặp nhau trong một khung cảnh vô cùng trớ trêu: nhà tù liên bang Fox River. Tuy nhiên, dường như điều đó chẳng những làm ảnh hưởng đến mối tình đẹp đẽ giữa họ mà còn như là một chất xúc tác, thử thách và làm sâu đậm thêm tình cảm đó. Và có thể thấy rằng hai nhân vật có mỗi liên hệ rất chặt chẽ với nhau trong xuyên suốt cả series phim. Nếu không có bác sĩ Sarah, liệu Scofield có thể chạy thoát và nếu không có anh thì Sarah đã gặp nguy hiểm không biết bao lần.
Chính vì nhận thấy được tầm quan trọng của tình yêu đó mà khi nhân vật Sarah không xuất hiện trong phần 3 của phim nữa, những người hâm mộ ngay lập tức tỏ thái độ phản đối rất kịch liệt đến nỗi các nhà làm phim Vượt Ngục đã buộc phải đưa cô xuất hiện trở lại trong phần 4 của phim. Qua đó cũng có thể thấy được sức hút không nhỏ đối với tình yêu của cặp đôi này.
Tuy là một phim hình sự, Vượt Ngục cũng không hề thiếu câu chuyện tình lãng mạn.
Với một vài luận điểm nêu trên, thật không khó để khẳng định rằng Vượt Ngục chính là một trong những series truyền hình hay nhất, hấp dẫn nhất và đáng xem nhất trong một vài năm trở lại đây. Và chắc chắn rằng mặc dù đã ra mắt người xem được khá lâu, nhưng những tiếng vang mà Vượt Ngục để lại sẽ ở mãi trong lòng những khán giả, những người luôn yêu và hâm mộ những bộ phim hay.
Giải mã sức hấp dẫn của bom tấn truyền hình "Vượt Ngục"
* Viết tiếng Việt có dấu, là tôn trọng người đọc. * Chia sẻ bài sưu tầm có ghi rõ nguồn, là tôn trọng người viết. * Thực hiện những điều trên, là tôn trọng chính mình.
-Nếu chèn smilies có vấn đề thì bấm A/a trên phải khung viết bài
NARUTOFC.COM NVFC Official Vietnam Fan Site. Powered by phpBB® Version 2.0.0 Licensed Xem tốt nhất ở độ phần giải lớn hơn 1024x768 và trình duyệt Firefox BQT không chịu bất cứ trách nhiệm nào từ nội dung bài viết của thành viên. Hiện tại có tất cả :lượt truy cập [Từ 21/05/11]