Status : tình trạng xem chùa tiếp tục tái diễn :bball:
Được Cảm Ơn : 143
Tiêu đề: Bẫy” việc làm ở bến xe
TT - Nhiều người từ các vùng quê đến TP.HCM tìm việc đã trở thành “mồi ngon” của “cò” giới thiệu việc làm ở các bến xe. Những đường dây “cò” lao động này tung ra đủ “chiêu” dụ dỗ để lừa đảo khiến những người tìm việc rơi vào cảnh dở khóc dở cười.
Ông Tr. (chủ một đường dây cò việc ở Q.11) gọi điện thoại cho chủ xe rác ở huyện Bình Chánh. Trong ảnh từ trái qua: hai “đệ tử” của ông Tr., ông Tr. và người tìm việc (ảnh chụp sáng 7-6) - Ảnh: Hoàng Lộc
Sáng 3-6, một người đàn ông chạy chiếc Wave RS tại trạm xe buýt trên đường Ba Tháng Hai (Q.11) niềm nở: “Tìm việc làm không em? Vào trong anh nói chuyện cho nghe...”. Giải thích, hứa hẹn chưa đầy ba phút, người đàn ông chở tôi đến đường Hàn Hải Nguyên (Q.11) để cho ông C. (ngụ P.16, Q.11), “đầu nậu” giới thiệu việc làm, hỏi chuyện.
Vào bẫy...
Ông C. tự nhận mình là người chuyên giới thiệu việc làm uy tín cho nhiều lao động trẻ ở quê mới đến Sài Gòn có nhu cầu tìm việc. Sau khi xem giấy CMND của tôi và gọi điện thoại cho ai đó, ông C. nói: “Mấy chỗ ngon tạm thời hết rồi. Công việc của chú em là chuyển nước đá nặng 30-40kg, làm từ 12g khuya đến 10g sáng, lương một triệu sáu, bao ăn, ở...”. Sau khi giao CMND và bản thỏa thuận về công việc phải làm khá sơ sài cho bà T. (ngụ đường Quân Sự, Q.11), ông C. nhận phí giới thiệu 330.000 đồng và xem như việc môi giới đã xong.
Những “đầu nậu” môi giới việc làm
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại các bến xe, trạm xe buýt... trên địa bàn TP.HCM đang hình thành những đường dây giới thiệu việc làm, hoạt động lén lút để lừa đảo người từ các vùng quê đến TP xin việc. Khi gặp người tìm việc, đội ngũ “cò” sẽ “tư vấn” công việc với đồng lương hấp dẫn để dụ “con mồi” và sau đó giao cho chủ đường dây phân phối lao động.
Người lao động bị rơi vào bẫy vì công việc không như hứa hẹn ban đầu, làm việc trong môi trường nặng nhọc, vất vả hoặc ô nhiễm. Nếu họ bỏ việc sẽ bị giữ lại CMND, đồ đạc mang theo... Không chỉ làm không công, người tìm việc còn phải trả toàn bộ tiền “cò”, tiền xe ôm nếu muốn chuộc lại CMND. Tại địa bàn TP hiện có trên 10 đường dây “cò” lừa đảo kiểu này.
Những “đầu nậu” môi giới việc làm có “máu mặt” như ông Tr. (khu vực bến xe miền Tây), ông C. (Q.11), ông T. (khu vực gần bến xe An Sương)... đa số đều xuất thân từ “cò” lao động trở thành “đầu nậu”.
Những “đầu nậu” này có mạng lưới đến vài chục “cò” hoạt động ở các bến xe để dụ dỗ người tìm việc và quan hệ cung ứng lao động cho hàng chục cơ sở, hầu hết đều không đạt yêu cầu vệ sinh, an toàn trong môi trường lao động.
Giữa trưa nắng tôi được giao ngay công việc nhặt nước đá sau khi cưa bỏ vào bao (12g-14g30, công việc được nhận không có trong thỏa thuận ban đầu - PV). Công việc chuyển nước đá đêm khuya không chỉ nặng nhọc mà đòi hỏi phải có sức khỏe dẻo dai, chịu được lạnh, thức khuya...
Thấy tôi ì ạch khiêng cây đá mà muốn khuỵu xuống, ông S. (quê ở Trà Vinh), người lái xe thuê cho bà T., nói: “Ở đây luôn thiếu nhân công chịu thức khuya, chịu lạnh và sức nặng của cây đá chừng 60kg (60kg chứ không phải 30-40kg như ông C. nói - PV).
Cứ vài người đến làm mấy bữa là phải nghỉ việc và xem như làm không công, lại mất một khoản tiền mới chuộc lại được giấy tờ tùy thân”. Sau một ngày thử việc quá nặng nhọc, tôi liên hệ với ông C. để xin nhận lại giấy CMND, ông C. nói: “Chú em phải trả lại 300.000 đồng cho chủ để chuộc lại đồ đạc và CMND, ai cũng vậy thôi... Không làm được thì phải chịu phí”. Nói rồi ông ta quay ngoắt xem như không còn liên quan gì.
Còn tại trạm dừng xe buýt ở bến xe miền Tây, tôi vừa bước xuống thì có hai người đàn ông chạy xe ôm xúm lại hỏi han. Người đàn ông tên T. dò hỏi: “Cần tìm việc làm hả em? Có việc làm khỏe re à. Đi làm rác đi, sướng lắm, chỉ theo xe thôi, lương 1,2 triệu đồng/tháng, bao cơm ăn ba bữa và chỗ ở...”.
Sau đó, ông T. chở tôi đến điểm “tập kết” là một quán nước mía vỉa hè gần ngã tư Lò Siêu và Lãnh Binh Thăng (Q.11). Chưa đầy năm phút, ông Tr. chạy chiếc Air Blade màu đen và hai “đệ tử” đến xem mặt nhân công mới. Ông Tr. đưa 50.000 đồng “trả công” cho ông T. rồi quay sang tôi gằn giọng:
“Mày làm rác không được bỏ trốn à nghen, nếu lấn cấn là bị ăn đập”. Ông Tr. rất tự nhiên tiến đến móc ví tiền, xem CMND của tôi rồi móc cả hai túi quần, lục lọi balô của tôi chỉ còn hơn 10.000 đồng tiền lẻ ông ta cũng lấy hết.
Sau một cú điện thoại cho bà L., chủ thu gom rác (ngụ ấp 5, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh), ông Tr. sai một “đệ tử” tên T. tiếp tục chở tôi đến điểm hẹn trên đường Phan Văn Hớn (Q.12) để giao “lính mới” cho chủ thu gom rác.
Ông T. (thuộc đường dây ông Tr.) chở khách đến điểm hẹn là quán nước mía tại ngã tư Lò Siêu và Lãnh Binh Thăng, Q.11 (ảnh chụp sáng 7-6) - Ảnh: H.L.
Bỏ trốn
Nhận 300.000 đồng tiền huê hồng, T. ra thỏa thuận với bà L.: “300.000 đồng này sẽ trừ vào tiền lương của nó. Nếu nó không làm rác được ba tháng, làm vài bữa mà bỏ việc thì cứ giam đồ và giấy tờ nó lại rồi alô cho tui”.
Sau bữa cơm trưa, tôi trở thành “tân binh” nghề rác. Công việc được bà L. giao là bươi bới, nhặt nhạnh giấy, ve chai, bọc nilông bỏ vào các bao treo lủng lẳng trên xe. Công việc không đơn giản như lời các tay “cò” giới thiệu. Từng túi rác bốc mùi hôi thối, dầm dề nước bẩn được hai “đồng nghiệp” bên dưới quăng lên xe. Đủ loại rác dơ dáy, đã vậy có bao rác bên trong toàn là kim tiêm, đinh gỉ sét, miểng chai lọ, bóng điện vỡ vụn... khiến người làm phải canh cánh lo âu vì những nguy hiểm rình rập...
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các tay “cò” trên đều cảnh giác “con mồi” sẽ bỏ trốn trước thời hạn giao kèo với chủ (thường là 5-7 ngày - PV), nên tìm cách khám xét vét hết tiền, vật dụng có giá trị coi như “thu phí” tìm việc. Đã có trên 10 nạn nhân rơi vào tình trạng này.
Trước đó, ngày 18-5, đôi bạn Sơn Phương và Hiếu (quê ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) đến TP tìm việc. Khi xe buýt dừng ở trạm gần chợ Cây Gõ (Q.6), Phương và Hiếu bước xuống thì gặp hai người chạy xe ôm vây quanh cũng tự xưng là “đệ tử” của ông Tr. ở Q.11, ngỏ ý giới thiệu việc làm. Phương kể: “Mấy ông xe ôm nói có chỗ làm đồ inox, một tháng 1,5 triệu đồng, ngày làm tám giờ, bao ăn ở nên bọn tui đồng ý đi theo...”.
Sau khi chở Phương và Hiếu vào một con hẻm vắng người, có sáu người đàn ông xúm lại hăm dọa nếu không nghe lời sẽ bị một trận đòn nhừ tử. Cả nhóm người này khám xét balô, lục lọi ví tiền thì chỉ thấy tấm giấy CMND của Hiếu. Sau đó, hai “đệ tử” của ông Tr. ép chở Phương và Hiếu về Bình Dương... làm rác. Cả hai đưa giấy CMND của Hiếu ra cho ông chủ xe rác và nhận 500.000 đồng tiền huê hồng. Phương kể: “Một ngày làm hơn 12 giờ, chúng tôi phải ngửi, quăng và bới đủ loại rác hôi nồng nặc lên xe mà lương bổng không nghe nói gì”. Bữa cơm đạm bạc của Hiếu và Phương mà ông chủ xe rác dành cho là thức ăn thừa cặn mà gia đình ông đã ăn xong.
Trưa 20-5, nhân cơ hội “ông chủ” sơ hở, cả hai cùng tháo chạy lên một chiếc xe buýt về lại bến xe miền Tây, bỏ lại CMND, đồ đạc mang theo...
* Trung tá Nguyễn Xuân Thủy (trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Q.11):
Thời gian qua trên địa bàn quận chưa có trường hợp người bị hại vì các “bẫy” việc làm trình báo với cơ quan công an. Chúng tôi rất hoan nghênh thông tin, phát hiện về tình trạng trên của Tuổi Trẻ giúp bà con cảnh giác và cơ quan chức năng xử lý triệt để. Lực lượng công an quận sẽ vào cuộc.
Chúng tôi đề nghị các báo, đài cung cấp thông tin về người bị hại cũng như các đối tượng “cò” lao động, các đường dây “cò” lao động... để công an tiến hành trinh sát, xác minh, điều tra làm rõ, tập trung giải quyết một cách chặt chẽ.
* Ông Võ Văn Phúc (trưởng phòng bảo vệ bến xe miền Tây):
Quy định ở đây là khi có người ở quê có nhu cầu xin việc làm, tất cả người chạy xe ôm trong bến đều phải đưa đến những trung tâm giới thiệu việc làm hẳn hoi. Nếu tham gia những mạng lưới, đường dây “cò” lao động thì những người chạy xe ôm phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Có thể có những trường hợp “cò” lao động nằm ngoài phạm vi quản lý của bến xe, chúng tôi sẽ liên kết với các cơ quan chức năng để xử lý. Nếu phát hiện người chạy xe ôm trong bến móc nối với các đường dây “cò” lao động thì người đó sẽ bị đình chỉ hoạt động, chấm dứt hợp đồng và chuyển sang cơ quan công an xử lý.
* Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Hội Luật gia TP.HCM):
Đối với hành vi như “đưa người vào nơi vắng vẻ để khám xét, trấn lột tiền bạc và những vật có giá trị” là đã có dấu hiệu vi phạm vào tội cưỡng đoạt tài sản được quy định tại điều 135 của Bộ luật hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản: “Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù 1-5 năm” hoặc nếu có dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc thì phạm vào tội cướp tài sản được quy định tại điều 133 Bộ luật hình sự: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù 3-10 năm”.
Do đó, khi nạn nhân gặp phải những tình huống như thế cần báo ngay với công an để các cơ quan tiến hành tố tụng vào cuộc.
tuoitre.vn
Bẫy” việc làm ở bến xe
Trang 1 trong tổng số 1 trang
* Viết tiếng Việt có dấu, là tôn trọng người đọc. * Chia sẻ bài sưu tầm có ghi rõ nguồn, là tôn trọng người viết. * Thực hiện những điều trên, là tôn trọng chính mình.
-Nếu chèn smilies có vấn đề thì bấm A/a trên phải khung viết bài
NARUTOFC.COM NVFC Official Vietnam Fan Site. Powered by phpBB® Version 2.0.0 Licensed Xem tốt nhất ở độ phần giải lớn hơn 1024x768 và trình duyệt Firefox BQT không chịu bất cứ trách nhiệm nào từ nội dung bài viết của thành viên. Hiện tại có tất cả :lượt truy cập [Từ 21/05/11]